Năm học 2023 – 2024, học sinh, sinh viên đóng và hưởng BHYT như thế nào?
Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hưởng các quyền lợi về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trong năm học 2023 - 2024, mức đóng BHYT của học sinh sẽ có sự thay đổi so với năm học 2022-2023.
Bảo hiểm y tế học sinh là gì?
Bảo hiểm y tế học sinh là chính sách bảo hiểm y tế áp dụng đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên đang sinh sống và học tập trên lãnh thổ Việt Nam. Học sinh tham gia sẽ được hưởng các quyền lợi về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện về cả trí tuệ và thể chất.
Căn cứ theo Khoản 3, Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Khoản 4, Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, học sinh, sinh viên thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được Ngân sách nhà nước hỗ trợ (từ 30% - 100%) mức đóng BHYT.
Mỗi học sinh khi tham gia BHYT sẽ được cấp 1 thẻ BHYT dùng làm căn cứ hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2023 – 2024
Theo Khoản 4, Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 4, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định học sinh, sinh viên thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng lên là 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, số tiền mà học sinh, sinh viên thực đóng BHYT tăng từ 563.220 đồng/năm lên 680.400 đồng/năm (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh sinh viên tự đóng 70%). Theo đó, trong năm học 2023 - 2024, mức đóng BHYT của học sinh sẽ có sự thay đổi so với năm học 2022-2023.
Khi đó mức đóng BHYT của học sinh như sau:
Mức đóng = 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng = 972.000 đồng/năm.
Trong đó:
Số tiền được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT là: 291.600 đồng/năm.
Số tiền học sinh thực đóng BHYT là: 680.400đồng/năm
Đặc biệt, ngoài việc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV, trong năm học 2023 - 2024 dự kiến có thêm một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi học sinh tiếp tục được giảm.
Các phương thức đóng bảo hiểm y tế
Học sinh, sinh viên (HSSV) có thể lựa chọn đóng BHYT định kỳ.
Số tiền tham gia BHYT của học sinh sinh viên (sau khi đã trừ đi phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước), cụ thể là:
- Nếu HSSV đóng 3 tháng một lần, mức đóng là: 170.100 đồng.
- Nếu HSSV đóng 6 tháng một lần, mức đóng là: 340.200 đồng.
- Nếu HSSV đóng 9 tháng một lần, mức đóng là: 510.300 đồng.
- Nếu HSSV đóng 12 tháng một lần, mức đóng là: 680.400 đồng.
Học sinh, sinh viên có thể lựa chọn phương thức đóng BHYT định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng để phù hợp với kế hoạch chi tiêu của gia đình. Nhà trường, nơi mà các học sinh, sinh viên theo học sẽ đại diện cho cơ quan BHXH thực hiện thu phí BHYT.
Trong năm học 2023 - 2024, mức đóng BHYT của học sinh sẽ có sự thay đổi so với năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: TL
Mức hưởng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên
Theo BHXH Việt Nam, mức hưởng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên chia thành nhiều trường hợp:
Thứ nhất, khám chữa bệnh (KCB) tại cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT:
- Trường hợp KCB BHYT đúng nơi đăng ký ban đầu và thực hiện đầy đủ thủ tục đối với HSSV có thẻ BHYT mã quyền lợi là 4 thì được hưởng 80% chi phí KCB.
- Trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến: Người bệnh không có giấy chuyển tuyến nhưng xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT, được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ theo quy định như sau:
- Trường hợp khám chữa bệnh BHYT không xuất trình đầy đủ thủ tục tại nơi đăng ký KCB ban đầu, được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các trường hợp:
+ KCB ngoại trú, được hưởng mức tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở (tương ứng 270.000 đồng).
+ KCB nội trú, được hưởng mức tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở (tương ứng 900.000 đồng).
Thứ hai, khi học sinh sinh viên đi KCB tại cơ sở y tế không có hợp đồng KCB BHYT:
Được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT cho các trường hợp:
- KCB ngoại trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở (tương ứng 270.000 đồng).
- KCB nội trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở (tương ứng 900.000 đồng).
- KCB nội trú bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng tối đa 1 lần mức lương cơ sở (tương ứng 1.800.000 đồng).
- KCB nội trú bệnh viện tuyến Trung ương được hưởng tối đa 2,5 lần mức lương cơ sở (tương ứng 4.500.000 đồng).
Thứ ba, các trường hợp đặc biệt khác được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp theo phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT:
Trong các trường hợp, cụ thể:
- Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ BHYT.
- Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
- Người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
- Trường hợp cấp cứu tại cơ sở KCB không ký hợp đồng KCB BHYT.
Thứ tư, trường hợp cấp cứu:
Học sinh sinh viên được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.
Học sinh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hưởng các quyền lợi về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa: TL
Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Sau khi nộp tiền và đăng ký tham gia BHYT theo quy định mỗi học sinh sẽ được cấp 1 thẻ BHYT. Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT được tính tương ứng với số tiền đóng BHYT theo số tháng đã tham gia của học sinh cụ thể như sau:
- Đối với học sinh cấp tiểu học, trung học: Giá trị sử dụng thẻ BHYT bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học. Thẻ được tự động gia hạn khi học sinh tham gia BHYT liên tục qua các kỳ theo quy định.
- Đối với học lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm học.
- Thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục dạy nghề.
- Sinh viên năm thứ 1: Thẻ có giá trị đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng theo số tháng đã tham gia của học sinh sinh viên.
Căn cứ theo quy định về thời hạn sử dụng của thẻ BHYT học sinh sinh viên cần lưu ý trường hợp thẻ hết hạn hay còn hạn sử dụng. Khi học hết lớp 12 thì thẻ BHYT sẽ hết giá trị sử dụng và không được gia hạn thêm.
Hiện nay, để thuận tiện cho việc theo dõi, tra cứu thông tin bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên cần đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội VssID trực tuyến mà không cần phải đến cơ quan BHXH để thực hiện xác nhận.
Quyền lợi học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế
Việc triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên góp phần tích cực trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ tốt hơn. Với mức đóng BHYT học sinh thấp, rất nhiều học sinh, sinh viên khi không may bị bệnh được khám và điều trị kịp thời. Lợi ích từ BHYT là vô cùng thiết thực:
Học sinh được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nâng tỷ lệ khám chữa bệnh thành công.
Giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình người tham gia.
Hỗ trợ cho các em học sinh khó khăn có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Các em học sinh là đối tượng rất dễ bị bệnh do sức đề kháng yếu và thường xuyên xảy ra tai nạn ngoài ý muốn do đó tham gia BHYT là vô cùng cần thiết. Tham gia BHYT học sinh còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng.
Theo L.Vũ (th)
Tags: sinh viên đóng BHYT Sinh viên