23/07/2024 08:55

Nhà thơ Trương Xuân Thiên biến tấu cùng lục bát

Sau hai tập thơ đầu: Tư duy S (NXB Văn học 2005) và Homo Sapiens Người tinh khôn (NXB Văn học 2009), nhà thơ Trương Xuân Thiên đã tìm về thể lục bát với sự ra mắt hai tập thơ: Áo hồ ly (NXB Văn học, 2017) và Lục bát tình nhân (NXB Thanh Hóa, 2021).

Cụ thể, năm 2005, tập thơ đầu tay mang tên Tư duy S gồm 36 bài thơ dưới hình thức tự do của nhà thơ Trương Xuân Thiên đã gây được nhiều thiện cảm cho độc giả. Tuy viết dưới hình thức tự do nhưng chất cổ điển vẫn hiện lên rất rõ bởi sự chú trọng về cảm xúc trong từng tác phẩm, vần điệu, nhạc tính cũng như xây dựng hình ảnh đề tài thơ. Tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, quê hương, thiên nhiên, đời sống xã hội, lịch sử, con người.

Bốn năm sau tập thơ Tư Duy S, nhà thơ Trương Xuân Thiên đã tung tập thơ thứ hai mang tên “Homo Sapiens Người tinh khôn” có thể sẽ tạo nên độ khó cho việc tiếp nhận đối với độc giả phổ thông, bởi vì cách tư duy rất khác biệt. Tuy vậy, nếu đọc hết tập thơ này chúng ta có thể thấy đây là một tập thơ đem đến những suy tư triết học về sự sống và cái chết, về thân xác và linh hồn, cái tạm thời và cái vĩnh hằng. Vì thế nó đòi hỏi người đọc phải suy tư, nghiền ngẫm rất nhiều.

Cái hay của tập thơ chính là xen giữa những triết học siêu hình, là những câu thơ trữ tình đầy mỹ cảm để người đọc như dịu lại lý trí bằng những cảm xúc. Điều quan trọng hơn nữa là bên cạnh những cảm xúc phóng khoáng, dâng trào thì Trương Xuân Thiên vẫn còn biết tiết chế để những câu thơ trở nên đằm sâu hơn, cổ điển hơn trong những thể thơ như lục bát hoặc ngũ ngôn, xen những bài thơ tự do.

Nhà thơ Trương Xuân Thiên biến tấu cùng lục bát

Tập thơ Áo hồ ly của nhà thơ Trương Xuân Thiên xuất bản năm 2017

Trở lại bằng lục bát

8 năm vắng bóng, Trương Xuân Thiên bất ngờ trở lại văn đàn với tập thơ Áo hồ ly và Lục bát tình nhân.

Chia sẻ về việc sử dụng thơ lục bát để trở lại văn đàn, nhà thơ Trương Xuân Thiên cho biết, trước đây, anh làm thơ tự do, có câu vài ba chữ, câu vài chục chữ, tùy duyên mà viết chứ không bắt buộc theo quy luật nào. Thế nhưng lần này trở lại, anh lại chọn thơ lục bát, một tấm áo phù hợp với diễn ngôn của chính mình. Anh cũng tham vọng, người làm thơ không lệ cao sơn lưu thủy mà cũng chẳng nhất thiết phải dụng công thiên ngôn vạn ngữ. Người làm thơ vị tất phải viết những câu thơ hay, những vần thơ đẹp. Với nhà thơ Trương Xuân Thiên, anh muốn kiến trúc một thế giới khác, một lục bát khác, một cảnh giới khác. Ở đó anh là vị giáo chủ ủy quyền, hết thảy mọi sự trong cõi giới đó, phó thác linh hồn bằng những rung động vi diệu, hỗn độn, rung thông.

Với tập “Áo hồ ly” Trương Xuân Thiên đã dựng lên cả một thế giới kỳ ảo với đủ các nhân vật như tiên nữ, thuồng luồng, mãng xà, xà tinh, thánh thần, hồn ma, hồ ly,… Rất nhiều kỹ thuật tu từ được hòa trộn trong từ dòng lục bát, kết hợp các thủ pháp của nhiều ngành nghệ thuật để tạo nên những ấn tượng mới mẻ. Chẳng hạn “Rừng khuya, nửa đóa hoa mù/ Từ trong cổ mộ mùa thu úa gầy” hay là “Cá rô mở hội trong đầm/ Hoa quỳnh say khướt đâm sầm vào đêm”.

99 bài thơ lục bát dài ngắn khác nhau, bài dài nhất thường là 14 câu, bài ngắn nhất chỉ có 2 câu, tập thơ “Áo hồ ly” đã cho chúng ta thấy rằng bài thơ dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là tứ thơ và hình ảnh thơ. Tác giả đã đem đến cảm giác mới lạ được thể hiện dưới thể thơ lục bát tưởng chừng như rất quen thuộc trong thơ ca truyền thống.

Nhà thơ Trương Xuân Thiên biến tấu cùng lục bát

Trương Xuân Thiên trong cuộc trình diễn thơ cá nhân Nguyệt thực, bán đảo hồ Thiền Quang, Hà Nội năm 2010

Nói về hành trình thơ Trương Xuân Thiên nói chung và tập thơ “Áo hồ ly” nói riêng, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa cho biết, Trương Xuân Thiên viễn chinh trên con đường thi ca cũng là nằm trong bầu khí quyển của phân tâm học. Thi tài của Trương Xuân Thiên không chỉ là tìm tòi, khai phóng mà còn mang xu hướng định hình, thiết lập những cột mốc mới bằng cảm thức nghệ thuật của anh.

“Hai tập thơ đầu của nhà thơ Trương Xuân Thiên là Tư duy S và Homo Sapiens Người tinh khôn cùng những thử nghiệm trình diễn nghệ thuật thơ là những dấn thân đáng được ghi nhận trong thơ trẻ Việt Nam xét trên bình diện từ 15 - 20 năm qua. Tuy vậy, thành công nhất của nhà thơ Trương Xuân Thiên theo tôi là ở chặng thứ ba với tập thơ lục bát mang tên “Áo hồ ly”. Tôi luôn dành những ngưỡng mộ không bao giờ thay đổi với tập thơ này. Bởi, thế giới thi ca được nhà thơ hư tạo ra thật kì vĩ, mỹ diệu và đầy ngập hưng cảm trong không gian huyền mỏng. Không chỉ có âm chất mặn nồng của vợ chồng Hồ Ly, qua câu thơ “Hồ Ly đang áo cho chồng/ Mỗi đêm đan một mảnh nồng lên môi” mà ở đó còn chấp chới những kiếp luân hồi, những luyến ái, những trả vay, những ân ân oán oán, những phong ba bão giật, mây gió cuồng động. Mỗi nguyên tố cấu thành nên thế giới huyễn mộng ấy đều được gọi tên, đều có những đóng góp lớn nhỏ vào những tiến hóa, những định hình của thi giới Trương Xuân Thiên”, Nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa nói.

Tập thơ “Lục bát tình nhân” là tập thơ gần đây nhất của Trương Xuân Thiên với 63 bài lục bát. Những thay đổi mới mẻ làm chúng ta có cảm tưởng như tác giả đã tan cái mộng mị, liêu trai trong “Áo hồ ly” để trở về với đời thực. Có thể thấy, khi thoát cõi liêu trai thì người thơ lại dấn thân vào cõi thiền nhiều hơn. Tập thơ hầu hết gồm những bài lục bát dài 14 câu và chúng ta có thể nhìn thấy ở trong đó có bộ tam vị nhất thể giữa người tình, cõi tình và cái tôi trữ tình đắm say cho một con yêu với đầy đủ những sắc thái bi hoan, an lạc. Dù là viên mãn hay dang dở thì đều thấm đẫm một chất tình. Và có lẽ là nó cũng khởi phát từ cái quan niệm tình yêu, nó phải bắt đầu từ cái cõi tình người, tình thương. Ngôn từ trong tập thơ này có rất nhiều từ Hán Việt cổ kính, hàm súc với những từ láy tượng hình, tượng thanh giàu chất biểu cảm.

Trương Xuân Thiên đã chứng tỏ khả năng viết lục bát một cách rất tự nhiên, hồn hậu với tâm thức của một hồn thơ thoát tục, tinh khiết vô ngần nhưng mà vẫn hàm chứa phía sau là những trăn trở cho số phận con người.

Những ẩn dụ trong thơ Trương Xuân Thiên rất giàu sức khái quát. Mỗi bài thơ là một câu chuyện triết học về nhân sinh, về kiếp người. Lồng vào đó là những sắc điệu của tình ái, khiến cho cái cõi thiền trong thơ Trương Xuân Thiên thanh khiết mà không rời xa thế tục.

PV

Tags: Trương Xuân Thiên Nhà thơ Trương Xuân Thiên các tập thơ của Trương Xuân Thiên