Đau khi nuốt nước bọt, ho ra máu: Dấu hiệu cảnh báo ung thư
Ung thư amidan là bệnh ung thư phổ biến, nguy hiểm vùng đầu cổ có tỷ lệ tử vong cao. Triệu chứng của ung thư amidan thường nghèo nàn, diễn tiến âm thầm nên thường được phát hiện muộn, khi ung thư đã ở giai đoạn lan tràn với các triệu chứng xâm lấn cơ quan lân cận như lưỡi, hạch bạch huyết.
Do đó, theo Bệnh viện Bãi Cháy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư amidan sẽ giảm tỷ lệ tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Trước đây, căn bệnh này rất hiếm gặp nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng ca mắc ở nam giới trên 50 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư amidan như: thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá, môi trường khói bụi, độc hại, tình trạng nhiễm dai dẳng HPV (Human papilloma virus- virus gây u nhú ở người) đặc biệt với type 16.
Dấu hiệu cảnh báo theo từng giai đoạn
Nội soi tầm soát các bệnh lý ung thư vòm họng tại Bệnh viện Bãi Cháy (Ảnh: BVCC).
Ung thư amidan phát triển theo 4 giai đoạn. Việc phân chia bệnh thành các giai đoạn cụ thể sẽ giúp bác sĩ tiên lượng bệnh cũng như tìm ra phương pháp điều trị tương ứng phù hợp.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng rất kín đáo, tiến triển âm thầm và kéo dài. Triệu chứng bắt đầu thường là biểu hiện khó nuốt, do amidan bị sưng tấy hoặc cảm giác vướng ở một bên họng do u cục nhỏ đã phát triển.
Sau đó vài tuần hoặc một vài tháng, cảm giác đau ngay cả khi nuốt nước bọt, đau nhói tăng theo thời gian có thể lan đến vùng mang tai và vùng đỉnh đầu. Một số bệnh nhân khi khạc nhẹ hoặc ho có thể ra máu, phát âm giọng mũi kín hay giọng ngậm hạt thị (vừa ngậm hạt vừa nói).
Giai đoạn cuối các tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác như: vòm họng, hầu, lưỡi, phổi… Lúc này mọi biểu hiện đều rõ rệt, người bệnh có thể bị đơ hàm, há miệng hạn chế hoặc không há được miệng, đau lưng, ho kéo dài, đau xương, nhức toàn thân…. Những biện pháp điều trị thường chỉ để giảm bớt những cơn đau và duy trì sự sống.
Ung thư amidan giai đoạn đầu nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đạt hiệu quả rất cao. Do đó mỗi người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, nội soi tai mũi họng để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư vùng đầu cổ, trong đó có ung thư amidan.
Để dự phòng ung thư vùng đầu cổ nói chung và ung thư amidan nói riêng cần có chế độ sinh hoạt, lao động lành mạnh như:
-Từ bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc từ người khác;
- Không lạm dụng rượu bia cũng như những thức uống, các chất kích thích;
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ, đúng cách;
- Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao một cách điều độ;
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Bổ sung các chất dinh dưỡng, chất xơ và vitamin có lợi cho cơ thể. Không nên ăn quá nhiều đồ chiên xào, nướng, giảm hàm lượng muối trong mỗi bữa ăn;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát ung thư và những bệnh lý khác.