Phòng chống dịch bệnh sau bão lũ: Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm
GD&TĐ -Các chuyên gia y tế cho biết, sau bão, tình trạng ô nhiễm nước, hóa chất có thể xảy ra.
Khi nước lũ rút, nấm mốc phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt. Ảnh: INT |
Người dân cũng có nguy cơ đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần do lo lắng về hậu quả của bão.
Sau một cơn bão lớn khi không có nước và điện, các chuyên gia y tế lo ngại về sự gia tăng của hàng loạt bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, không có khả năng các bệnh hiếm gặp sẽ xuất hiện.
“Có một nhận thức sai lầm phổ biến rằng các đợt bệnh truyền nhiễm mới sẽ tấn công dân số sau khi nước lũ rút. Thực tế không phải vậy. Mọi người có nguy cơ bị nhiễm cùng một loại họ từng mắc trước đó”, Tiến sĩ Brian Labus - Trường Y tế Công cộng Las Vegas thuộc Đại học Nevada (Mỹ), giải thích. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra những nguy cơ về sức khỏe mà mọi người có thể gặp sau bão và lũ lụt.
Ô nhiễm nước
Điều này có thể xảy ra do ngập lụt tại các cơ sở xử lý nước thải hoặc nước thải tràn trên đường phố và từ khu vực nông nghiệp... Tình trạng đó dẫn đến sự lây lan của các mầm bệnh, virus và vi khuẩn. Ngoài ra, nước bị ô nhiễm có thể chứa các hóa chất độc hại.
“Các vụ tràn nước ô nhiễm từ cơ sở công nghiệp, cũng như rò rỉ tiềm ẩn từ bể chứa khí và nước chảy tràn từ nông nghiệp, có thể dẫn đến nồng độ hóa chất, dung môi công nghiệp, kim loại như chì và asen, thuốc trừ sâu tăng lên. Tất cả đều có trong nước mưa”, Tiến sĩ Wu - chuyên gia về sức khỏe môi trường và nghề nghiệp tại Khoa Y tế Công cộng của Đại học California, Irvine cho biết.
Do đó, người dân cần tránh uống hoặc sử dụng nước máy cho đến khi nhà cung cấp nước thông báo là đã hết nguy hiểm. Thay vào đó, hãy sử dụng nước đóng chai nếu có thể. Chuyên gia lưu ý, nếu phải dùng nước máy, bộ lọc nước sẽ rất hữu ích để sử dụng tạm thời.
Điều quan trọng nữa là không nên đi bộ qua vùng nước lũ. Thông thường, mọi người không thể nhìn thấy những gì ẩn dưới bề mặt nước. Ngoài ra, các vết cắt hoặc vết xước trên da có thể bị nhiễm trùng sau khi tiếp xúc với nước bị ô nhiễm.
Nước bị ô nhiễm có thể chứa các hóa chất độc hại. Ảnh: INT
Nguy cơ từ nấm mốc
Khi nước lũ rút, nấm mốc phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt. Các bào tử và độc tố có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe mãn tính. “Trung bình một người hít thở 20 nghìn lần mỗi ngày và dành khoảng 90% thời gian ở trong nhà. Các bào tử nhỏ đến mức có thể hít, nuốt và hấp thụ vào cơ thể. Một số hạt đủ nhỏ để xâm nhập qua phổi và đi thẳng vào máu”, ông Michael Rubino - chuyên gia về nấm mốc và chất lượng không khí chia sẻ.
Việc hít phải bào tử nấm mốc có thể ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Một người có thể thỉnh thoảng bị sổ mũi và đau đầu, trong khi đó, người khác có thể phát triển 15 triệu chứng và tình trạng tự miễn dịch.
Ông Rubino giải thích, nấm mốc có thể bắt đầu phát triển trong vòng 24 - 48 giờ và xuất hiện ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, các khu vực dễ phát sinh nấm mốc bao gồm tầng hầm, không gian hẹp, gác xép, cửa sổ và cửa ra vào.
Mọi người có thể tự xử lý mọi loại nấm mốc trong không gian nhỏ. Ngoài việc mặc quần áo bảo hộ, quy trình dọn dẹp thường yêu cầu máy hút bụi, sản phẩm làm sạch thực vật và khăn lau sợi nhỏ. Các khu vực nấm mốc lớn hơn sẽ cần tới sự xử lý chuyên nghiệp.
Các chất ô nhiễm hóa học
Tiến sĩ Wu lưu ý, trong thời gian mất điện, mọi người phụ thuộc vào khí đốt và dầu diesel. Điều này có thể gây ra vấn đề. “Nếu máy phát điện không được sử dụng đúng cách, quá trình đốt cháy khí đốt và dầu diesel sẽ tạo ra carbon monoxide.
Sự tích tụ carbon monoxide sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu và buồn nôn. Nồng độ rất cao có thể dẫn đến tử vong”, chuyên gia cảnh báo. “Những người tham gia vào quá trình dọn dẹp mảnh vỡ và sửa chữa kết cấu có thể tiếp xúc nhiều hơn với các hạt vật chất mịn và hóa chất khác”, Tiến sĩ Wu nêu.
Sức khỏe tâm thần
Không chỉ sức khỏe thể chất bị đe dọa sau cơn bão, mà sức khỏe tâm thần của chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng. “Cơn bão là một sự kiện gây chấn thương. Việc cố gắng trở lại “bình thường” sau đó là rất khó khăn”, Tiến sĩ tâm lý học Holly Schiff tại New York (Mỹ) chia sẻ.
Lo lắng và trầm cảm thường được cho là xuất hiện nhiều sau cơn bão. Tiến sĩ E. Alison Holman, Khoa học tâm lý tại Trường Điều dưỡng Sue & Bill Gross, UC Irvine (Mỹ) giải thích: “Bất cứ khi nào có những điều chưa biết như vậy, nó sẽ tạo ra sự lo lắng”. Một mối quan tâm phổ biến khác là rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Một nghiên cứu cho thấy, 30% những người từng trải qua lũ lụt liên quan đến thiên tai đã phát triển PTSD.
Tiến sĩ Stephanie Freitag - nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép tại New York, giải thích, các triệu chứng phổ biến của PTSD bao gồm tăng cảnh giác, hồi tưởng, ác mộng, tránh nhắc nhở về chấn thương và nhận thức sai lệch về thế giới và tương lai. Tương tự như sức khỏe thể chất, một số người bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác.
Trong khi đó, Tiến sĩ Schiff giải thích, căng thẳng cũng khiến những người từng mắc chứng rối loạn lạm dụng chất gây nghiện dễ bị tổn thương hơn. Họ có thể tăng mức tiêu thụ hoặc tái nghiện nếu đang trong quá trình phục hồi. Bởi, họ coi đó là một hành vi đối phó không lành mạnh sau cơn bão.
Để thúc đẩy sức khỏe tinh thần tốt khi đối mặt với thảm họa thiên nhiên, các chuyên gia khuyên mọi người nên tìm kiếm sự hỗ trợ. Tiến sĩ Freitag cho biết, điều này có thể đến từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần, bác sĩ, gia đình, bạn bè và cộng đồng nói chung. Mọi người cũng cần lưu ý rằng, việc trải qua thảm họa thiên nhiên là không dễ dàng.
Do đó, cần cố gắng không đổ lỗi hoặc khắt khe với bản thân. Việc viết ra những suy nghĩ và cảm xúc sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về những gì mình cảm thấy. Đó cũng là một cách để giúp xử lý điều khiến bản thân phiền lòng. Ngoài ra, mọi người cũng nên làm những việc mang lại cho bản thân niềm vui, như sở thích và thư giãn.
Theo Healthline
Tags: phòng chống dịch bệnh bão lũ ô nhiễm môi trường nguy cơ dịch bệnh biện pháp phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe sức khỏe cộng đồng hậu quả của bão bệnh truyền nhiễm