27/12/2022 03:47

Cuộc hội ngộ ấn tượng của Bùi Công Duy và Dàn nhạc Giao hưởng

Hoà nhạc hàng năm Joint Concert' giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam luôn được đón chờ bởi những người yêu thích âm nhạc cổ điển.

Tác phẩm Nostalghia của Takemitsu - nhà soạn nhạc vĩ đại của Nhật bản được lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên của Tarkovsky. Tính biểu tượng trong bộ phim có sức lan tỏa và mạnh mẽ. Hai hình ảnh luôn được sử dụng nhiều nhất trong phim của Tarkovsky là lửa và nước. Với nước - đó là sương mù, mưa, suối, nước nhỏ giọt - nước hiện diện ở mọi nơi, còn lửa tuy không xuất hiện mạnh mẽ như các bộ phim khác, nhưng lại được sử dụng như một hình ảnh quan trọng và tinh tế ở cú bấm máy dài 9 phút cuối phim, khi Gorchakov cầm ngọn nến đi qua hồ nước.

Cuộc hội ngộ ấn tượng của Bùi Công Duy và Dàn nhạc Giao hưởng

Takemitsu đã đặc biệt chú ý đến cách độ bão hòa âm thanh cũng như hình ảnh, âm thanh nhỏ giọt và nước bắn tung tóe tác động đến ý thức của người xem từ bên ngoài khung hình. Takemitsu đem sự đồng cảm của mình về nghệ thuật với Tarkovsky vào âm nhạc. Âm thanh của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji tạo ra như các mảng màu đen trắng, hình ảnh mơ hồ, mờ ảo vô định hình như hơi nước trong khi tiếng vĩ cầm đầy biến hoá của NSƯT Bùi Công Duy được giới hạn, ổn định tập trung vào hình ảnh âm nhạc gợi cho những người yêu điện ảnh phảng phất hình ảnh một ngọn nến giữa làn hơi nước. Còn người yêu nhạc cảm nhận được cảm xúc cảm xúc u buồn, pha lẫn một chút bí ẩn như bầu không khi trong tác phẩm của Tarkovsky.

Sau khi thưởng thức âm nhạc của nhà soạn nhạc Châu Á, người nghe được đến với một nhà soạn nhạc lớn của Châu Âu với những bản giao hưởng đồ sộ - Gustav Mahler. Giao hưởng số 5 của Mahler đánh dấu một phong cách sáng tác mới sau 4 giao hưởng đầu tiên là các tác phẩm chương trình, cảm hứng âm nhạc được sản sinh bởi những câu chuyện, những bài hát dân gian, và có sự tham gia của các giọng hát.

Giao hưởng số 5 là tác phẩm thuần tuý âm nhạc. Mahler để lại cho chúng ta một vài mạch tư tưởng, tuy không bắt buộc chúng ta phải hiểu âm nhạc đang diễn tả điều gì nhưng lại gợi ý điều đó nghĩa là gì với ông. Như chương Adagietto nổi tiếng là sự tuyên bố của Gustav Mahler với tình yêu của ông dành cho người vợ của mình, Alma, mà không cần tới lời ca để diễn tả. Một chương nhạc có sức lôi cuốn đến kỳ lạ ngay cả với những người chưa sẵn sàng với những bản giao hưởng dài của ông, và khuấy lên những cảm xúc tưởng như đã nằm yên tận nơi đáy lòng.

Đó còn là phần nổi tiếng nhất của bản giao hưởng, được sử dụng trong bộ phim Death in Venice của Visconti cũng như được Leonard Bernstein chỉ huy dàn nhạc chơi trong suốt buổi tưởng niệm cố Tổng thống John F. Kennedy. Ở đó, trong cái giai điệu vươn tới vô tận này, sự tuyệt vọng, nỗi bi thương, những lời than khóc như vang lên từ vực sâu thăm thẳm, khi nhỏ nhẹ, khi căng vút hết mình. Lạnh lẽo. Đau xót. Và chút mơ hồ thoảng qua của tiếng đàn harp…

Tuy là hai tác phẩm riêng biệt nhưng sự bi thương trong giai điệu khiến người nghe có chút liên tưởng đến tác phẩm Nostalghia ở phần đầu của buổi hoà nhạc. Giai điệu chuyển sang một tông màu tươi tắn hơn ở chương 5, với sự mở đầu của kèn horn, và chuyển sang thứ âm nhạc lộng lẫy, rạng rỡ, ngược lại hẳn với chương Adagietto. Bi thương chuyển thành niềm vui chiến thắng. Bộ đồng gia nhập và khiến chương kết trở nên trọn vẹn, kết thúc vui nhộn. Sự biểu diễn xuất sắc của các nhạc công ở bộ đồng tạo nên sự thành công của biểu diễn, phòng hoà nhạc vỡ tung khi các nốt nhạc cuối cùng vang lên.

Sự hợp tác đặc biệt của hai dàn nhạc ngoài việc tổ chức biểu diễn những tác phẩm đòi hỏi biên chế dàn nhạc lớn, còn là một trong những nỗ lực của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khi tạo điều kiện cho các sinh viên được chơi các tác phẩm lớn cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, tạo nên một lớp nghệ sĩ trẻ có năng lực và kinh nghiệm trong tương lai.

Tags: Bùi Công Duy