14/05/2022 04:44

Làng mốt nỗ lực chống đồ hiệu giả

Theo Guardian, việc buôn bán mặt hàng thời trang giả mạo thu về 600 tỷ USD mỗi năm và có tới 10% trong tổng số hàng hiệu được tung ra thị trường là giả. 80% khách hàng từng gặp phải loại hàng này hoặc đồ nhái. Dù doanh số bán hàng xa xỉ đã tăng vọt trong hàng chục năm qua, hàng giả còn tăng nhanh hơn với mức 10.000% trong hai thập niên.

Nhiều năm qua, Pháp là một trong những quốc gia tích cực chống vấn nạn này. Bảo tàng hàng nhái Musée de la Contrefaçon được xem là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao nhận thức người dân. Nằm ở quận 16 của Paris, do Union des Fabricants thành lập năm 1951, Musée de la Contrefaçon có sáu phòng trưng bày hơn 350 mặt hàng gồm quần áo, nước hoa, đồng hồ, túi xách, mỹ phẩm, dụng cụ, đồ dùng vệ sinh cá nhân... Trong đó, mỗi bản gốc được đặt cạnh một phiên bản giả hoặc nhái của chính nó.

Làng mốt nỗ lực chống đồ hiệu giả

Nước hoa Dior thật (trái) và nhái trưng bày trong bảo tàng Musée de la Contrefaçon. Ảnh: Surla2

Mỗi năm, Musée de la Contrefaçon hợp tác hải quan Pháp và các tổ chức thu giữ hàng trái phép, đem về trưng bày, nhằm giúp mọi người phát hiện sản phẩm kém chất lượng. Khi tham quan bảo tàng, cây bút Alice Sherwood của Guardian cho biết hàng giả hiện nay được làm tinh vi tới mức không thể nhận ra nếu không có chuyên gia tư vấn.

"Tôi nhìn vào một chiếc túi xách Chanel 2,55 chần bông nổi tiếng, nhưng hướng dẫn viên nói với tôi đó là túi giả do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Bản gốc có đường khâu đều đặn và chắc chắn, bản giả được dán lại với nhau. Còn có một chiếc túi trông giống thiết kế của Louis Vuitton. Khi kiểm tra kỹ hơn, tôi nhận thấy những ký tự đã được thay đổi một cách khéo léo theo chữ tượng hình của Hàn Quốc, mô phỏng họa tiết monogram của hãng mốt Pháp. Không một yếu tố nào của thiết kế phù hợp với bản gốc, nhưng hiệu ứng tổng thể thì đậm chất Vuitton", Alice nói.

Không chỉ thông qua bảo tàng, châu Âu còn nỗ lực phát hiện, xử lý hàng trái phép mỗi năm. Bjorn Gorgewagers, giám đốc khu vực của tổ chức chống hàng giả React, cho biết công ty xử lý khoảng 25 triệu trường hợp mỗi năm ở 107 quốc gia và khu vực. Trong đó có khoảng 20.000 vụ giả mạo đồ của Adidas, Converse, Nike, Puma, Levi's, Tommy Hilfiger, L'Oréal, Unilever...

Làng mốt nỗ lực chống đồ hiệu giả

Cơ quan quản lý thị trường tiêu hủy hàng giả ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, năm 2017. Ảnh: VCG

React được quyền kiểm tra thị trường và cửa hàng bán đồ giả, giám sát các cảng container như Rotterdam, Antwerp và Bremen - nơi tập trung các lô hàng kém chất lượng tuồn vào EU. Bjorn nói: "Một container vận chuyển có thể chứa số sản phẩm giả gấp nghìn lần một vali của kẻ buôn lậu. Nếu chọn đúng cảng, đúng tàu và đúng container, bạn có thể ngăn chặn hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đồ giả chỉ trong một lần. Nhưng điều này không dễ dàng".

Theo Guardian, khoảng 180 triệu container vận chuyển trên khắp thế giới mỗi năm, 15 triệu trong số đó đi qua Rotterdam. Người dân và các đồng nghiệp của Bjorn phải tìm ra những thùng nghi ngờ cất giữ hàng giả và yêu cầu hải quan bốc số hàng đó ra để kiểm tra. Theo anh, hầu hết sản phẩm đến từ châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Dù công nghệ ngày càng phát triển, trong đó có con dấu chống giả mạo được kích hoạt bằng nhiệt, số bảo mật, thẻ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến), hàng giả không thể phát hiện được hết và vẫn không ngừng tăng.

Tại Việt Nam, việc xử lý vi phạm hàng giả thực hiện đều đặn mỗi năm. Hồi tháng 4, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện năm kho hàng ở thị xã Bỉm Sơn, chứa 12.000 sản phẩm giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Kenzo... Năm ngoái, kho hàng giả Hermès, Chanel, Louis Vuitton lớn nhất miền Bắc bị triệt phá tại Nam Định. Theo Tổng cục Quản lý thị trường và công an tỉnh Nam Định, khoảng 20.000-30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại kho. Lực lượng chức năng phải dùng 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng hóa có giá trị 6 tỷ đồng.

Hàng giả khó ngăn chặn không chỉ vì lòng tham lợi nhuận của người bán mà còn nằm ở nhu cầu dùng đồ hiệu của những người có thu thập thấp. Theo Bjorn Gorgewagers, lối sống ảo ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi mua sắm của nhiều người, từ đó tiếp tay cho vấn nạn này. Trên Korea Times, Yoo Hyun Jung - giáo sư về khoa học tiêu dùng ở Đại học Quốc gia Chungbuk - nhận định thế hệ trẻ hiện nay thích đăng tải những hình ảnh phô trương và hào nhoáng, cho thấy mình giàu có trên mạng xã hội. Những người không có điều kiện sẵn sàng diện đồ fake để theo kịp xu hướng của giới nhà giàu.

Bjorn nói với Guardian: "Khi người mua đồng lõa với người bán, thật khó để ngăn chặn đồ giả. Các nhà thiết kế đặt mục tiêu làm ra sản phẩm đẹp với một ước mơ tốt đẹp. Bạn nên mua nó vì chất lượng, bằng lòng tự trọng của chính mình".

Sao Mai

Tags: hàng giả đồ hiệu giả hàng hiệu giả bảo tàng hàng giả Musée de la Contrefaçon Thời sự giải trí Thời trang Tin nóng