14/03/2024 05:52

Mất hơn 20 triệu đồng để 'cọc' suất vào lớp 10 trường tư Hà Nội cho con

Đến thời điểm này, khi Sở GD-ĐT còn chưa chốt số môn thi vào lớp 10 công lập năm 2024, nhiều trường tư ở Hà Nội đã đưa ra mức phí ghi danh, hay còn gọi cọc giữ chỗ.

Hiện nay, nhiều trường tư trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra thông báo tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024, trong đó đưa ra nhiều phương thức như: tuyển thẳng theo học bạ, xét tuyển theo học bạ hoặc xét tuyển hợp dựa vào điểm học bạ các môn và kết quả thi vào lớp 10 do Sở GD-ĐT tổ chức,...

Trong trường hợp đủ điều kiện trúng tuyển bằng hình thức nào đó, để xác nhận nhập học, các học sinh phải đóng một phí “đặt cọc” được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: “phí ghi danh”, “phí đặt chỗ”,...

Trường Archimedesđưa ra mức phí nhập học cho học sinh đầu cấp năm học 2024-2025 lên đến 23 triệu đồng.

Số tiền phí nhập học này được tính toán gồm các khoản: phí ghi danh, dã ngoại hoặc học quân sự; bộ sách giáo khoa, sách hướng dẫn học, sách Tiếng Anh,...; đồng phục; cơ sở vật chất và phí hoạt động của năm; phí tài liệu học vụ và phần mềm quản lý học sinh. Tuy nhiên, trường này cho hay, phí này không hoàn trả, không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức.

Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đưa ra phí nhập học là 15 triệu đồng. Nhà trường cũng cho biết phí nhập học sẽ không được hoàn trả trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được đối trừ với các khoản thu trong năm học nếu học sinh theo học tại trường.Trường THCS và THPT Newton thông báo phí đặt chỗ là 12 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ hoàn vào các khoản đóng phí của năm học.

Để hoàn thành thủ tục ghi danh vào Trường THCS và THPT Lý Thái Tổ, các phụ huynh phải đóng phí ghi danh 1 triệu đồng và phí đặt chỗ 10 triệu đồng, tổng cộng 11 triệu đồng. Nhà trường cho biết phí ghi danh là khoản phí thu một lần duy nhất áp dụng đối với tất cả học sinh đăng ký nhập học tại trường. Phí này sẽ không được hoàn lại dù học sinh có theo học tại trường hay không. Còn phí đặt chỗ sẽ được tính trừ vào các khoản phí trong năm học 2024-2025 khi học sinh theo học tại trường. Nếu phụ huynh từ chối cho con theo học tại trường thì phí ghi danh và phí đặt chỗ sẽ không được hoàn lại trong mọi trường hợp.

Mất hơn 20 triệu đồng để 'cọc' suất vào lớp 10 trường tư Hà Nội cho con

Thí sinh dự thi vào lớp 10 Hà Nội những năm trước đây. Ảnh: Thanh Hùng.

Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốpcũng đưa ra mức phí nhập học là 5.910.000 đồng. Phí nhập học này, trường không trả lại, nếu học sinh rút hồ sơ chuyển đi trường khác. Tuy nhiên nhà trường cũng lưu ý phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi nhập học cho con, chỉ khi chắc chắn con sẽ học tiếp mới làm thủ tục nhập học, tránh việc giữ chỗ khiến mất cơ hội vào học của học sinh khác.

Mức phí nhập học mà Trường THPT Đoàn Thị Điểm đưa ra là 2 triệu đồng. Nhà trường cũng nêu rõ, số tiền này sẽ không được hoàn trẻ khi học sinh rút hồ sơ khỏi trường.

Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu cũng đưa ra mức phí “đặt cọc” là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà trường cũng lưu ý phụ huynh học sinh đọc kỹ thông tin và cân nhắc trước khi nhập học cho con.Trường THPT Phan Bội Châu đưa ra mức phí ghi danh là 1,2 triệu đồng. Nhà trường chỉ hoàn trả phí ghi danh khi học sinh trúng tuyển trường công lập. Trường hợp phụ huynh, học sinh rút hồ sơ nhưng học sinh không đỗ trường công, nhà trường sẽ không hoàn trả các khoản phí.

Phí giữ chỗ của Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn là 3 triệu đồng; phí ghi danh của Trường TH, THCS&THPT Ngôi sao Hoàng Mai với học sinh khối 10 là 2 triệu đồng,...

Dù số tiền cọc để giữ chỗ khá lớn, song nhiều phụ huynh “cắn răng” chịu chi nhằm đảm bảo con có một suất vào lớp 10 dự phòng trong trường hợp trượt nguyện vọng trường công.Việc quyết định chi tiền giữ chỗ là lựa chọn, quyết định của mỗi gia đình tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh.

Khi đã chi tiền đặt cọc giữ chỗ, phụ huynh thường có sự cân nhắc. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có không ít phụ huynh đặt cọc trong trạng thái vội vàng hoặc bị xao động, phân tâm theo đám đông dẫn đến quyết định mang tính thời điểm.

Trên thực tế, những năm trước, đã có những trường hợp phụ huynh bỏ cọc, thậm chí bỏ cùng lúc nhiều trường sau khi con trúng tuyển vào trường công lập top đầu.

Do vậy, để hạn chế việc lãng phí trong bỏ tiền đặt cọc, hơn ai hết, phụ huynh cần hiểu năng lực của con để xác định trường mục tiêu; tìm hiểu rõ về trường mình định đặt cọc (tầm nhìn, định hướng, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, loại hình lớp...) tránh tâm lý lo lắng thái quá dẫn đến lãng phí.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, dự kiến năm học 2024 - 2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10, tăng 5.732 em so với năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dự kiến sẽ không thay đổi với khoảng 60 - 62%.

tin liên quan

Bình luận

Tags: Hà Nội trường tư