03/11/2021 09:28

VietinBank có thể thu hơn nghìn tỷ từ phí trả trước bảo hiểm

Năm sau, VietinBank có thể thu 1.400 tỷ đồng từ phí trả trước bảo hiểm với Manulife và gần 2.000 tỷ từ thoái vốn công ty con.

Tại đại hội cổ đông bất thường ngày 3/11, Chủ tịch Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) Trần Minh Bình, cho biết kế hoạch hợp tác với Manulife triển khai từ 2019-2020 nhưng do có thay đổi về tiến độ nên dự kiến từ quý I năm sau, ngân hàng sẽ bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance).

Bên cạnh đó, Chủ tịch VietinBank cũng cho hay, việc thoái vốn khỏi các công ty con như công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán và quản lý quỹ dự kiến cũng được thực hiện trong năm sau.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán BVSC, nếu VietinBank phân bổ phí trả trước bảo hiểm trong 4 năm thì con số ghi nhận trong năm sau có thể đạt gần 1.400 tỷ đồng. Từ việc thoái vốn công ty con, BVSC ước tính VietinBank có thể ghi nhận 1.800-2.000 tỷ đồng.

Tại đại hội, ông Trần Minh Bình chia sẻ, khoảng 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân dự kiến được khấu trừ vào kết quả kinh doanh, tuy nhiên ngân hàng vẫn sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đến cuối tháng 10, tín dụng của VietinBank tăng trưởng 8% so với đầu năm, đạt gần mức Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ ROA, ROE được cải thiện ở mức lần lượt 1,3% và 16,1%. Biên lãi thuần đạt khoảng 3%.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 1,6%, tỷ lệ nợ nhóm 2 là 0,62%. Dư nợ cơ cấu theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước gần 10.400 tỷ đồng. Các chỉ số khác được đảm bảo, như tỷ lệ tiền gửi trên cho vay (LDR) đạt 82,86%, tỷ lệ an toàn vốn 9%.

VietinBank có thể thu hơn nghìn tỷ từ phí trả trước bảo hiểm

Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình tại họp cổ đông bất thường sáng 3/11. Ảnh: VietinBank

Trong bối cảnh khách hàng bị tác động bởi Covid-19, ông Bình cho rằng, quan điểm của ngân hàng là tăng cường trích lập dự phòng một cách thận trọng để đảm bảo có bộ đệm dự phòng tốt nếu có biến cố vào năm sau. Lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về 1,4%, đẩy trích lập dự phòng lên 17.000 tỷ đồng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 169% vào cuối năm (trích thừa so với yêu cầu).

Tại đại hội, cổ đông cũng thông qua hai đề xuất của Hội đồng quản trị về việc niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

Ngân hàng thông qua việc niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng của VietinBank (bao gồm trái phiếu phát hành ra công chúng trong năm 2021 và các năm tiếp theo) trên hệ thống giao dịch chứng khoán/Sở Giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc các đợt chào bán.

Cổ đông cũng nhất trí bầu ông Lê Thanh Tùng - Trợ lý nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đồng thời, nhà băng này miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024 đối với ông Nguyễn Mạnh Toàn để đảm nhận công việc khác tại ngân hàng.

Thành viên Hội đồng quản trị mới của Vietinbank - ông Lê Thanh Tùng sinh năm 1978 là cử nhân kế toán, Đại học Kinh tế Quốc dân, là thạc sỹ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng Đại học Paris Dauphine (CFVG). Ông Tùng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và gắn bó với VietinBank từ năm 2003 đến năm 2014.

Ông từng làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối quản lý rủi ro VietinBank, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Cho thuê Tài chính VietinBank. Bên cạnh đó, ông Tùng cũng từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước qua các vị trí như Chánh văn phòng, Vụ trưởng, trợ lý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước khi công tác tại Ban Kinh tế Trung ương.